Hiện tại, các dàn âm thanh chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều thường lựa chọn các loại củ loa rời. Với nhiều kích cỡ, công suất và chất lượng có thể đáp ứng các nhu cầu của người dùng, loa rời được rất nhiều người quan tâm sử dụng. Bài viết này sẽ giới thiệu về các thành phần cấu tạo của loa, cho bạn một hiểu biết khái quát nhất về công cụ mà mình thường sử dụng hàng ngày.
Nhiều người cho rằng cấu tạo của loa thật đơn giản, chỉ một lớp vỏ bên ngoài, với một cục nam châm bên trong là đã có thể phát ra âm thanh. Tuy nhiên, sự thật là để có thể phát ra được âm thanh hay, nghe “êm tai” thì cần có rất nhiều bộ phận phối hợp với nhau trong một chiếc loa đó.
Cấu tạo loa gồm những bộ phận nào?
Loa là gì? Loa là một trong những thiết bị trong dàn âm thanh, loa làm nhiệm vụ phát ra âm thanh, khâu cuối cùng trong việc truyền tín hiệu trong hệ thống.
Các bộ phận cấu thành nên một củ loa rời hoàn chỉnh bao gồm các phần: khung sườn, viền nhún, màng nhện, nam châm, cuộn dây đồng, dây quấn, màng loa.
Khung sườn (Frame)
Khung sườn như đúng cái tên của nó, là phần xương chống đỡ toàn bộ loa. Bộ phận này có chức năng chính là gắn các thành phần của loa lại với nhau một cách chặt chẽ và khoa học, ổn định nhất.
Chất liệu làm khung sườn cho loa rời thường rất đa dạng. Chất liệu cao cấp thì có khung sườn làm bằng nhôm, phổ biến thì làm bằng sắt, hoặc thậm chí đôi khi chúng còn được làm bằng nhựa để giảm giá thành của loa. Đối với nhiều nhà sản xuất, khung sườn của loa rời là bộ phận để họ khẳng định giá trị cũng như đẳng cấp của sản phẩm loa mà họ làm ra. Tuy khung sườn không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng âm thanh của loa nhưng một số các loại khung sườn quá lớn lại có thể gây phản xạ trực tiếp lại màng loa.
Viền nhún (Surround, edge)
Viền nhún của loa thông thường được chế tạo bởi chất liệu giấy hoặc vải (xếp gấp lại). Chức năng chính của nó là giữ kín hơi và tạo độ mềm dẻo cho loa bass. Nhìn vào viền nhún người chuyên nghiệp có thể biết được chất lượng âm thanh của loa như thế nào. Ví dụ, viền gân vải có thể dùng cho loa trầm hoặc trung trầm, loại viền mút bằng da mềm đa phần dùng làm loa trầm, còn viền cao su dày chỉ dùng cho loa sub điện.
Màng nhện (Spider, Damper)
Màng nhện như một cái lò xo trong củ loa rời. Khi nhận được tín hiệu, màng nhện di chuyển nhanh và ngay sau đó quay về vị trí cân bằng để thực hiện những tín hiệu tiếp theo. Hoạt động của màng nhện quyết định đến chất lượng âm thanh cũng như độ bền củ loa bass rời.
Nam châm (Magnet)
Nam châm trong củ loa rời thường được cấu tạo với 3 loại phổ biến là Alnocol, Ferrite và Neodymium. Nam châm sẽ kết hợp cùng với các bộ phận khác tạo ra những xung động âm thanh từ các dòng điện từ di chuyển liên tục.
Cuộn dây đồng (Voice coll)
Cuộn dây đồng có cấu tạo gồm lõi (bobin) là ống hình trụ dùng quấn dây lên đó. Cuộn dây đồng này được đặt trong khe hở từ. Khe từ này càng nhỏ mật độ từ càng cao, chất lượng âm thanh càng đặc biệt. Tuy nhiên, thông thường để tạo độ an toàn cho người sử dụng, các loa được thiết kế sao cho khe từ có thể rộng hơn đôi chút tuỳ vào chất lượng.
Bên cạnh chất liệu dây quấn bằng đồng, người ta còn có thể sử dụng dây quấn bằng bạc.
Màng loa (Diaphragm)
Màng loa là phần quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định chất lượng âm thanh được tái tạo ra. Các loại chất liệu giấy, nhựa, kim loại… là những loại phổ biến để làm màng loa hiện nay.
Màng loa (Diaphragm)
Ngoài việc lựa chọn những thương hiệu uy tín, được nhiều người sử dụng thì hi vọng rằng qua bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những kinh nghiệm để lựa chọn mua bộ loa ưng ý cho mình.